Lâm nghiệp

Bắc Quang tập trung phát triển rừng gỗ lớn

01/04/2020 00:00 132 lượt xem

Mỗi năm huyện Bắc Quang trồng từ 2.500 – 3.000 ha rừng kinh tế. Đồng thời cũng thu từ rừng trồng khoảng 65.000 – 75.000 m3 gỗ phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu; hiện, diện tích che phủ rừng của huyện đạt trên 60%. Trồng rừng đã, đang mang lại lợi ích cho người dân...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Hồng Tuyên, cho biết: Từ năm 2019, Bắc Quang tiếp tục tập trung trồng rừng gỗ lớn thay cho việc phát triển rừng nguyên liệu như hiện nay. Để đạt được mục tiêu mỗi năm trồng từ 1.700 ha – 2.300 ha rừng gỗ lớn, huyện sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ diện tích rừng, đất rừng hiện có. Từ đó, xây dựng kế hoạch trồng rừng tập trung từng năm, trên từng địa bàn các xã và thôn, bản. Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn được chi tiết hoá và giao chỉ tiêu từng khâu, như: Quy hoạch đất đai, lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, xây dựng vườn ươm cây giống, đảm bảo cung cấp đủ vật tư, thiết bị phục vụ trồng rừng theo từng năm, từng qúy và có kiểm tra, đánh giá để chỉ đạo thực hiện.

Bắc Quang có diện tích rừng, đất rừng rất lớn; tập trung bên bờ Đông sông Lô. Do vậy, từ năm 2019 trở đi huyện sẽ tập trung trồng rừng gỗ lớn chủ yếu bên bờ Đông sông Lô và Tiểu khu Cách mạng Trọng Con, gồm 9 xã: Thượng Bình, Liên Hiệp, Đức Xuân, Vô Điếm, Bằng Hành... Còn lại, huyện sẽ rà soát lại quỹ đất thuộc các xã phía Bắc, Đông Bắc, như: Đồng Tiến, Đồng Tâm, Tân Thành, Tân Quang, Tân Lập để vừa phát triển rừng, vừa kết hợp trồng cây dược liệu. Thực hiện phát triển rừng dựa trên từng bước đi cụ thể lấy ngắn, nuôi dài; vừa kết hợp trồng rừng, vừa phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; đắp đập trữ nước nuôi cá theo mô hình, rừng, vườn, ao, chuồng. Tại các xã, thôn có đất trồng rừng phải thực hiện triệt để quy tắc phát triển kinh tế theo mô hình: Rừng, vườn, ao, chuồng (RVAC) để vừa trồng được rừng, lại vừa đảm bảo thu nhập trước mắt cho người dân. Phương pháp chỉ đạo phát triển trồng rừng gỗ lớn bằng các nhóm cây lâm nghiệp tứ thiết, như: De, Dổi, Gù hương, Lát, Đinh, Lim... có giá trị kinh tế cao. Bắc Quang đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ trồng khoảng 4.000 – 5.000 ha rừng gỗ lớn bằng các loại cây tứ thiết. Từ trồng rừng gỗ lớn, Bắc Quang sẽ hướng tới phát triển du lịch sinh thái rừng, ẩm thực rừng để từng bước nâng cao mức sống cho người dân.

Bên cạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, Bắc Quang sẽ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khuyến khích mọi người, mọi nhà làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ tái tạo rừng. Đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên sẽ lập tổ kiểm soát, chốt chặn bảo vệ nghiêm ngặt. Từng bước giao khoán rừng cho người dân, tập thể; các thôn, bản có rừng đều phải xây dựng các quy ước bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng. Đánh giá thực tiễn công tác giao khoán rừng tại xã Đức Xuân, cho thấy: Mọi người, mọi nhà trong 8 thôn, bản cùng tham gia xây dựng hương ước và cùng tuần tra bảo vệ rừng. Tổ chốt chặn kiểm soát lâm sản chốt giữ ngày đêm, mọi biểu hiện xâm hại rừng đều được quần chúng nhân dân cung cấp cho tổ chốt chặn kiểm soát lâm sản để ngăn chặn, bắt giữ. Từ một “điểm nóng”, Đức Xuân đã dần trở thành xã làm tốt công tác tham mưu, bảo vệ rừng và dần trở thành điểm sáng trong phong trào trồng rừng gỗ lớn và bảo vệ rừng của huyện Bắc Quang.

Tương lai của công tác phát triển lâm nghiệp bền vững bằng cách trồng rừng gỗ lớn mang lại chính là: Lợi ích về kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng dân cư và sự phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến phức tạp hiện nay.


Tin khác

Liên kết website