Tài liệu kỹ thuật

Hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng năm 2022

10/12/2021 08:42 881 lượt xem

Để chủ động cho sản xuất cây trồng nông nghiệp năm 2022, ngày 30/11/2021, Sở Nông nghiệp ban hành văn bản số 1740/SNN-TTBVTV về Hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng năm 2022 gửi UBND các huyện, thành phố và phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện, thành phố với các nội dung cụ thể như sau:

Hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng năm 2022

I. CƠ CẤU GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP VÀ KHUNG THỜI VỤ GIEO TRỒNG VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2021 - 2022

1. Cây lúa

1.1. Vùng thấp (gồm các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Trà xuân chính vụ:  Gieo mạ từ 08/1 đến 20/1, cấy xong trong tháng 2.

+ Trà xuân muộn: Gieo mạ từ  20/1 đến 5/2, cấy xong trong tháng 2 (kết thúc chậm nhất trước 10/3).

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với lúa lai, gồm các giống: Long Hương 8117; Nhị ưu 838, Kinh sở ưu 1588, Việt lai 20 thế hệ mới, HKT99, TH3-3, GS55, Lai thơm 6 với lượng giống gieo trồng từ 22-25 kg/ha.

+ Đối với lúa thuần, gồm các giống: J01, J02, ĐS1, TBR 225; Thiên ưu 8, LTh31, QR15, KD18, HN6, QR 15; giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 50- 60 kg/ha.

1.2. Vùng cao núi đất (gồm các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc và một số xã vùng cao của Quang Bình và Vị Xuyên):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Trà xuân chính vụ:  Gieo mạ từ 10-20/1, cấy trong tháng 2.

+ Trà xuân muộn: Gieo mạ từ 20/1 đến 10/2 cấy xong trước 05/3 (kết thúc chậm nhất trước 10/3).

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với lúa lai, gồm các giống: Long Hương 8117; Nhị ưu 838, Cương ưu 725, Kinh sở ưu 1588, Việt lai 20 thế hệ mới, TH3-3, GS55 với lượng giống gieo trồng từ 22-25 kg/ha.

+ Đối với lúa thuần, gồm các giống: TBR 225; J02, ĐS1, Vaas16 (ĐS3), Thiên ưu 8, LTh31, KD18, QR 15;  giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 50- 60 kg/ha.

1.3. Giống lúa dự phòng: Sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, như: PC6, Lai thơm 6, Việt Lai 20 thế hệ mới...

2. Cây ngô

2.1. Các huyện vùng thấp (gồm các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, thành phố Hà Giang):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Ngô xuống ruộng:  Gieo từ 15/1 đến 10/2.

+ Ngô soi bãi: Gieo từ 15/1 đến 25/2.

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với ngô lai, gồm các giống: NK4300, NK66, NK6101, NK7328, CP989, CP999, CP3Q, GS 9989, MX6 với lượng giống gieo trồng từ 12-15 kg/ha.

+ Đối với ngô thuần: Giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 20- 65 kg/ha.

2.2. Các huyện vùng Cao nguyên núi đá (gồm các huyện: Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Ngô xuống ruộng:  Gieo từ 15/1 đến 10/2 (kết thúc chậm nhất trước 15/2).

+ Ngô nương: Gieo từ 05/3 đến 05/5.

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với ngô lai, gồm các giống: NK4300, NK66, NK6101, NK7328, CP989,  CP999, CP333, CP511, CP111, AG59, GS 9989, MX6 với lượng giống gieo trồng từ 12-15 kg/ha.

+ Đối với ngô thuần: Giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 20- 65 kg/ha.

2.3. Các huyện vùng cao núi đất (gồm các huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Ngô xuống ruộng:  Gieo từ 15/1 đến 10/2 (kết thúc chậm nhất trước 15/2).

+ Ngô nương: Gieo từ 05/3 đến 05/5.

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với ngô lai, gồm các giống: NK4300, NK66, NK6101, NK7326, CP888, CP999, CP989, LVN885, AG59,  MX6 với lượng giống gieo trồng từ 12-15 kg/ha.

+ Đối với ngô thuần: Giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 20- 65 kg/ha.

3. Cây đậu tương

- Thời vụ: Gieo trồng từ 20/1 đến 05/3. Vùng thấp kết thúc 25/2.

- Giống: DT84, DT90, VX93, giống địa phương.

- Lượng giống: Từ 45-50 kg/ha (tùy theo giống, thời vụ).

4. Cây lạc

- Thời vụ: Gieo từ 20/1 đến 20/2.

- Giống: L14, L27, L29, Sen lai, Lạc địa phương.

- Lượng giống: Từ 140 - 170 kg lạc vỏ/ha.

5. Một số lưu ý trong tổ chức sản xuất vụ Đông xuân năm 2021-2022

5.1. Đối với cây lúa:

- Cần áp dụng 100% che phủ ni lon chống rét cho mạ, không gieo mạ và cấy vào những ngày trời rét đậm có nhiệt độ dưới 15oC.

- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia vụ Đông xuân 2021-2022 có thời tiết khí hậu lạnh nên thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn các vụ Đông Xuân ấm. Mặt khác, lập Xuân vào ngày 04/02/2022 Dương lịch (04/01 âm lịch). Do vậy, cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối của rét nàng Bân.

- Chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng,  giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.

- Giống Việt Lai 20 thế hệ mới, Đài Thơm 8 thích hợp với trà xuân muộn.

- Đối với dòng ĐS1, Vaas16 (ĐS3) là giống chịu lạnh nên thích hợp sử dụng tại những vùng lạnh.

5.2. Đối với cây ngô và cây rau màu:

- Không nên gieo các cây trồng như: ngô, đậu tương, lạc vào thời gian khô hạn kéo dài.

          - Đối với diện tích ngô vụ Xuân, hướng dẫn nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt thời vụ gieo trồng (gieo trồng xong trước ngày 30/1 dương lịch), để cây ngô trỗ cờ, phun râu tránh được các đợt nắng nóng gay gắt (từ trung tuần tháng 4 đến tháng 5) xảy ra tại các huyện, TP (nhất là 02 huyện phía Tây: Hoàng Su Phì và Xín Mần).

II. CƠ CẤU GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP VÀ KHUNG THỜI VỤ GIEO TRỒNG VỤ MÙA - NĂM 2022

1. Cây lúa

1.1. Vùng thấp (gồm các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Thành phố Hà Giang):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Trà sớm: Gieo mạ từ  10/5 đến 25/5 kết thúc cấy trong tháng 6.

+ Trà chính vụ: Gieo mạ từ 25/5 đến 5/6 kết thúc cấy trước 10/7.

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với lúa lai, gồm các giống: Long Hương 8117;  Nhị ưu 838, Kinh sở ưu 1588, Việt lai 20 thế hệ mới, HKT99, TH3-3, GS55, Lai thơm 6 với lượng giống gieo trồng từ 22-25 kg/ha.

+ Đối với lúa thuần, gồm các giống: TBR 225; J01, J02, Thiên ưu 8, TBR225, BC15, HN6, PC6, LTh31, KD18, Đài thơm 8, QR 15; giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 50-60 kg/ha.

1.2. Vùng cao (gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần và một số xã vùng cao của huyện Quang Bình và Vị Xuyên):

- Thời vụ (theo Dương lịch):

+ Trà sớm: (áp dụng đối với những nơi có bình độ cao hoặc có điều kiện khí hậu đặc biệt) gieo mạ từ 10/4 đến 5/5, cấy từ 10/5.

+ Trà chính vụ: Gieo mạ từ 5/5 đến 20/5, cấy xong trước 10/7.

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với lúa lai, gồm các giống: Long Hương 8117; Nhị ưu 838, Cương ưu 725, Kinh sở ưu 1588, Việt lai 20 thế hệ mới, TH3-3, GS55 với lượng giống gieo trồng từ 22-25 kg/ha.

+ Đối với lúa thuần, gồm các giống: TBR 225; ĐS1, Vaas 16 (ĐS3), Thiên ưu 8, KD18,  QR 15; Bao thai, Già dui, Khẩu mang, giống địa phương với lượng giống gieo trồng từ 50-60 kg/ha.

* Lưu ý: Giống lúa Lai thơm 6 sử dụng làm giống dự phòng trong vụ mùa.

2. Cây ngô

- Thời vụ (theo Dương lịch):

- Các huyện vùng thấp: Gieo từ 25/6 đến 25/7.

- Các huyện vùng cao núi đá và 2 huyện phía Tây: Gieo từ 25/6 đến 05/8.

- Giống và lượng giống gieo trồng:

+ Đối với ngô lai, gồm các giống: NK4300, NK66, NK6101, NK7328, CP989, CP888, CP999, GS9989, AG59, LVN 885, MX6 với lượng giống gieo từ 12-15kg/ha.

- Đối với ngô thuần: Giống địa phương với lượng giống gieo từ 20-25kg/ha.

3. Cây đậu tương

- Thời vụ: Gieo trồng từ 01/7 đến 25/07, các huyện vùng thấp kết thúc gieo trước 05/08.

- Giống: DT84, DT 90, VX 93, giống địa phương.

- Lượng giống: Từ 50 - 60 kg/ha.

4. Cây lạc

- Thời vụ: Vụ thu gieo từ 15/07- 05/08.

- Giống: L14, L27, L29, Sen lai, Lạc ĐP.

- Lượng giống: Từ 140 - 170 kg lạc vỏ/ha.                  

* Lưu ý: Cần gieo sớm để tránh hạn cuối vụ.

III. CƠ CẤU GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP VÀ KHUNG THỜI VỤ GIEO TRỒNG VỤ ĐÔNG - NĂM 2022

1. Cây ngô

          - Thời vụ (theo Dương lịch): Gieo từ 15/9 đến 05/10 (Trà sớm gieo trước 20/9, trà trung gieo trước 30/9, trà muộn gieo trước 05/10), nếu trồng muộn có thể làm ngô bầu, nhưng phải kết thúc trồng xong trước ngày 10/10.

          - Cơ cấu giống: NK4300, NK7328, NK66, CP3Q, HN88, MX6, nếp địa phương…

          - Lượng giống:

          + Giống ngô lai: Từ 12-15 kg/ha; riêng giống ngô sinh khối, lượng giống gieo từ 20-22 kg/ha.

          + Giống ngô thuần: Từ 20 - 25 kg/ha.       

  2. Cây Tam giác mạch

- Thời vụ (theo Dương lịch): Thời vụ thích hợp để trồng Tam giác mạch là 10-15/9 dương lịch (khoảng giữa thu). Thời gian sinh trưởng khoảng 60-65 ngày, có nơi đến 75-80 ngày, tùy từng tiểu vùng sinh thái, thời vụ hoặc giống.

- Lượng giống: Từ 60-70 kg/ha.

3. Cây khoai Lang

- Thời vụ (theo Dương lịch): Tập trung trồng từ 15/9 - 15/10 (trồng càng sớm càng tốt).

- Cơ cấu giống: Khoai lang Nhật, Hoàng Long, Hưng Lộc, VX-37…

- Lượng giống: Từ 1.200 - 1.400 kg dây/ha.

4. Cây khoai tây

- Thời vụ (theo Dương lịch): Bắt đầu trồng từ 01/10 đến 25/11. (tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11).

- Cơ cấu giống: VT2 (TQ), ruột vàng Thường tín, Karsta (Đức), Lipsi (Hà Lan) và giống Salaza (Đức).

- Lượng giống: Từ 800 - 1000 kg/ha.

5. Cây rau, đậu các loại và cây hoa: Sử dụng các loại giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. 

- Đối với cây rau thuộc nhóm cây ưu ấm như: Cà chua, dưa chuột, dưa hấu, bầu bí… kết thúc gieo trồng trước ngày 10/10 (theo Dương lịch).

- Đối với cây rau thuộc nhóm cây ưu lạnh như: Su hào, bắp cải, các loại rau cải… thời vụ gieo trồng từ ngày 01/10 đến 25/11 (theo Dương lịch).

- Đối với cây hoa: Hoa ly, hoa cúc, hoa lay ơn…bắt đầu gieo trồng từ ngày 05/10 đến 30/11 (theo Dương lịch).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị UBND các huyện, thành phố

- Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền đoàn thể, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, bám sát sản xuất.

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố chủ trì, phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông; UBND các xã, phường, thị trấn, các ban ngành đoàn thể chủ động hướng dẫn sản xuất, xây dựng kế hoạch và lịch gieo trồng cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng vùng sản xuất của mỗi huyện và thành phố.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt khung thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống cây trồng. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1-2 giống lúa chủ lực, cấy tập trung, cùng trà theo vùng, khu, xứ đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

- Làm tốt thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, chỉ đạo chặt chẽ dự tính dự báo sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt các bệnh nguy hại như đạo ôn, lùn sọc đen, phương châm phòng là chính. 

- Tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo phương thức "Cánh đồng lớn"; chủ động, rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước để sớm có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Chủ động dự phòng giống có thời gian sinh trưởng ngắn để gieo, cấy bù kịp thời diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu gieo, cấy, thu hoạch, mở rộng mô hình mạ khay, máy cấy, để đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Chủ trì, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống phù hợp với tình hình thời tiết, diễn biến thị trường, điều kiện canh tác; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất; tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch.

- Tăng cường dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây trồng.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

- Chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện/Phòng Kinh tế thành phố tham mưu cho UBND huyện, TP hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng; tham gia kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV hạn chế mức thiệt hại thấp nhất cho nông dân. Chủ trì, đẩy mạnh công tác điều tra theo dõi, dự tính, dự báo sâu bệnh hại cây trồng tại địa bàn; tổng hợp, theo dõi tiến độ sản xuất cây trồng, đề xuất giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả...

3. Trung tâm Khuyến nông: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo và nhân rộng kịp thời phổ biến áp dụng các TBKT về giống, phân bón mới, tưới nước tiết kiệm, ứng dụng IPM trong sản xuất; mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả… nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân.

4. Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức; Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng; các cửa hàng; HTX, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất cây trồng: Đẩy mạnh giới thiệu các TBKT về giống và biện pháp kỹ thuật để các huyện, thành phố áp dụng có hiệu quả. Có phương án sản xuất, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Sở Nông nghiệp và PTNT trân trọng hướng dẫn./.

Nguyễn Văn Tú (TTKN)

Tin khác

Liên kết website