Trồng trọt - BVTV

Kỹ thuật phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân năm 2020

08/04/2020 00:00 356 lượt xem

Hiện nay, lúa xuân tại một số huyện vùng thấp của tỉnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái và thời tiết nắng ấm, có mưa đang tạo điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay trời âm u, ít nắng, có mưa giông, mưa nhỏ kéo dài, ẩm độ không khí cao lên tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn sinh trưởng và phát triển. Nhằm chủ động phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân năm 2020, ngày 01/4/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 437/SNN-TTBVTV gửi các huyện, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo phòng chống tốt bệnh đạo ôn hại lúa và sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân năm 2020.

Để chủ động phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa xuân năm 2020, chúng tôi xin giới thiệu “Kỹ thuật phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân năm 2020”, cụ thể như sau:

1. Triệu chứng gây hại:

- Trên lá lúa: Vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ màu vàng nhạt trong mờ, hình hơi tròn hoặc bầu dục, sau phát triển thành hình thoi, ở giữa có màu xám tro, xung quanh  màu nâu đậm, viền vết bệnh màu vàng nhạt. Trường hợp bệnh nặng các vết bệnh liên kết nhau làm cho lá lúa bị cháy khô. Gặp ẩm độ cao trên vết bệnh xuất hiện lớp nấm mốc màu xám xanh, đó là bào tử và cành bào tử của nấm bệnh.

- Trên bẹ lá: Vết bệnh có triệu chứng tương tự như trên lá, bệnh nặng làm cho toàn ruộng lúa bị tàn lụi nhanh chóng.

- Trên đốt thân và cổ bông: Vết bệnh màu nâu đen bao quanh thân hoặc cổ bông và hơi lõm xuống. Khi gây hại cổ bông làm bông lúa gãy gục gây hiện tượng hạt lúa bị bạc trắng hoặc lép lửng, làm giảm nghiêm trọng năng suất lúa.

- Trên gié và hạt: Bệnh thường phát triển mạnh cả trên gié và xuống hạt. Vết bệnh trên hạt thường hình tròn hoặc không định hình mầu nâu xám, trên gié vết bệnh có mầu nâu đen.

2. Các biện pháp phòng trừ:

- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng nước nóng 540C.

- Dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại trên đồng ruộng.

- Bón cân đối N, P, K, ngừng bón thúc đạm, phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng khi lúa mới bị nhiễm bệnh, giữ đủ nước trong ruộng kết hợp bón vôi bột + tro bếp theo tỷ lệ 1:1, lượng 10 kg/sào.

- Tăng cướng kiểm tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh đạo ôn gây hại lúa để tổ chức phòng trừ kịp thời không để lây lan, đặc biệt cần lưu ý các giống lúa nhiễm bệnh như: J02, nếp BC15, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838,...

- Khi điều tra, phát hiện những ruộng lúa có tỷ lệ bệnh trên 5%, tiến hành phun phòng trừ ngay bằng một số loại thuốc sau: Fuel – one 40EC, Fuan 40EC, Bemgold 750WP, Fllia 525 SE...

Lưu ý:

+ Pha và phu theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì thuốc.

+ Sử dụng thuốc phải tuân thủ theo các nguyên tắc và đảm bảo an toàn

+ Nếu ruộng lúa bị nặng thì phải phun kép 2 lần, mỗi lẫn cách nhau từ 5-7 ngày, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc với lá.

(Biên soạn theo Sổ tay khuyến nông 2018 và Công văn số 437/SNN-TTBVTV ngày 01/4/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về  việc chủ động phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa vụ Xuân 2020).


Tin khác

Liên kết website