Lĩnh vực khác

Nhìn lại một năm thành quả của ngành Nông nghiệp Hà Giang và giải pháp cho năm 2017

13/01/2017 00:00 709 lượt xem

            Năm 2016, có thể nói là năm rất khó khăn cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang; đúng như nhận định của ngành ngay từ cuối năm 2015: Sản xuất Nông lâm nghiệp năm 2016 sẽ đứng trước những bất lợi của thời tiết do hiện tượng El Nino hoạt động mạnh và kéo dài kỷ lục nhất trong 60 năm qua, 90% khả năng kéo dài đến hết vụ Đông xuân 2015-2016. Nhiều khả năng tình trạng khô hạn kéo dài sẽ xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là ở các huyện thuộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn và một số nơi thuộc các huyện phía Tây của tỉnh. Các địa phương trong tỉnh sẽ rét đậm, rét hại vào thời kỳ đầu và giữa vụ; hiện tượng dông lốc, mưa đá xảy ra vào thời kỳ cuối vụ. Trong vụ Xuân năm 2016, phải chỉ đạo quyết liệt để chuyển đổi vụ 1.076,6ha đất trồng lúa không chủ động  nước sang các cây trồng cạn; nắng nóng gây thiệt hại đối với một số diện tích cây ngô bị mất trắng, giảm năng suất trên 325ha; rét đậm, rét hại làm thiệt hại trên 8.510ha cây trồng; thiên tai đã làm 07 người chết, 10 người bị thương, 5.918 nhà nhà bị sập và bị tốc mái; 156 công trình phúc lợi công cộng bị hư hỏng; Ước tổng thiệt hại về vật chất hơn 200 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,35% giá trị sản xuất của ngành. Đối với diện tích các cây trồng hàng năm đã ổn định, khó tăng về diện tích; năng suất các cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, đậu tương) đã đạt đến ngưỡng năng suất đối với tiềm năng về đất đai và điều kiện canh tác, nếu đầu tư thâm canh cao để đạt mục tiêu tăng về năng suất thì hoạch toán sẽ không có lãi trong sản xuất nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (HTX, THT) đang trong giai đoạn chuyển đổi theo Luật mới năm 2012, hoạt động chưa thực sự có hiệu quả, chưa đóng vai trò là người tổ chức, dẫn dắt người dân đến với thị trường do bản chất đang yếu từ ngay trong nội tại. Ví trí địa lý của Hà Giang cách xa so với các Trung tâm thương mại lớn, giao thông độc nhất đường bộ rất khó khăn để canh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại của các tỉnh khác, do phát sinh chi phí vận chuyển. Việc tích tụ ruộng đất bị chi phối, mặc định sẵn về địa hình. Đất sản xuất được hình thành qua nhiều đời do công khai phá của các thế hệ trước được chia ngày càng nhỏ lại cho các thế hệ sau là rào cản kìm hãm sản xuất lớn. Cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động còn chậm, không phải nơi nào, vùng nào cũng làm được do bị địa hình chi phối, nếu san phẳng sẽ mất đi tầng đất mặt canh tác. Quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hầu như không có; nếu thực hiện thu hồi nhà nước phải bỏ ra số tiền không nhỏ hoặc doanh nghiệp phải đi thuê. Kênh tiêu thu, phân phối sản phẩm, khâu thị trường nông sản còn yếu. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo Luật đầu tư công ngày càng thắt chặt, có chiều hướng giảm dần qua các năm.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Giang đã có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, chủ động trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn; hạn chế thách thức như: Trình UBND tỉnh ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 để định vị lại, sắp xếp lại các cây con có tiềm năng, thế mạnh để tập trung nguồn lực; trình HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Đề án tái cơ cấu ngành nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng đưa vào sản xuất, chính sách đã đi vào cuộc sống, trúng ý nguyện người dân, 2.058 hộ ở nông thôn đã được tiếp cận với nguồn vốn vay 173,87 tỷ đồng. Xây dựng được 05 Dự án trong lĩnh vực Lâm nghiệp để thu hút nguồn vốn của Trung ương; xây dựng các dự án kêu gọi thu hút nguồn vốn ODA đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp. Ban hành các bản Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành…. Nhìn lại tổng thể ngành nông nghiệp năm 2016 đã có những điểm sáng, tích cực: Tốc độ tăng tổng sản phẩm ngành Nông lâm và thủy sản ước đạt 4,3% (ngành nông nghiệp cả nước tăng khoảng 1,2%), đóng góp vào 32,46% cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh; giá trị bình quân thu hoạch/ha đất trồng cây hàng năm đạt 41,32 triệu đồng, tăng 1,31 triệu đồng so với năm 2015; đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, bình quân lương thực đầu người khoảng 480kg; sản phẩm thịt trâu, bò xuất bán ước đạt 6.606 tấn, tăng 1.203,5 tấn so với cùng kỳ năm 2015 cho thấy nội bộ ngành có chuyển dịch tích cực sang hướng phát huy lợi thế chăn nuôi hàng hóa; tỷ lệ che phủ rừng chiếm 55,1% khá cao so với các tỉnh miền núi phía bắc và cả nước. Các sản phẩm chủ lực trong tái cơ cấu đang từng bước khẳng định cả về số lượng, chất lượng và thị trường. Sản phẩm cam sành Hà Giang đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & CN cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, diện tích 1.253 ha/2.284 ha đang cho thu hoạch được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; diện tích 3.404 ha/17.944 ha chè cho thu hoạch được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã làm gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Cấp chứng chỉ rừng FSC cho 1.200 ha bước đầu tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến truy xuất nguồn gốc gỗ, thuận lợi cho xuất khẩu gỗ của tỉnh trong tương lai gần. Hình thành được 20 HTX nông nghiệp kiểu mới theo mô hình hoạt động của HTX thôn Chang để tổ chức lại sản xuất cho người dân; mô hình HTX dân quân tham gia trồng và bảo vệ rừng... Có thể khẳng định sản xuất nông lâm nghiệp năm 2016 thu được nhiều kết quả khá toàn diện, đặc biệt trong đó lĩnh vực lâm nghiệp đã có sự chuyển biến theo tín hiệu tốt, tích cực.

Bước sang năm 2017, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Dự báo Ngành nông nghiệp sẽ còn đứng trước những khó khăn, bất lợi. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày một nhanh hơn, khó lường trước được mức độ thiệt hại do thiên tai. Vụ Đông năm 2016-2017 có thể nhận định là vụ Đông ấm, dự báo sản xuất vụ Xuân 2017 có khả năng sẽ gây hạn hán đối với các cây trồng; gây khô hanh cháy rừng; phát sinh sâu bệnh hại. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ theo xu thế giảm dần do tình hình khó khăn chung của cả nước. Thị trường tiêu thụ nông sản sẽ còn nhiều khó khăn. Nhận định năm 2017, ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò là trụ cột kinh tế chính của tỉnh, với hai trọng trách cụ thể là đảm bảo sinh kế cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản và thương mại, dịch vụ của toàn tỉnh. Với vai trò và trọng trách đó, ngành Nông nghiệp cần tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất: Xác định đúng vị trí, vao trò của ngành để quyết định tổ chức sản xuất cho phù hợp với hai trọng trách nêu trên.

Thứ hai: Cần phải thay đổi quan điểm, tư duy về sản xuất từ chiều rộng sang tư duy sản xuất theo chiều sâu; lấy kết quả, hiệu quả cuối cùng làm thước đo trong sản xuất nông lâm nghiệp; có tín hiệu, có thị trường mới quay lại tổ chức sản xuất.

Thứ ba: Đối với lĩnh vực trồng trọt trọng tâm là đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ để an dân nên xác định cần bao nhiêu kg lượng thực/người là đảm bảo; diện tích còn lại giao quyền tự quyết để các huyện, thành phố linh hoạt, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu, mục tiêu cốt lõi cần đạt được là giá trị thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm, đây mới là thu nhập thực, giá trị đích thực mà người dân được thụ hưởng. Đối với các cây con trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp “Cam, chè, dược liệu; trâu bò, ong” phải chuyển toàn bộ sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (GAP đối với chè; WHO – GAP đối với dược liệu; VietGAHP đối với chăn nuôi) để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cùng loại; xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, trước mắt xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt cấp tỉnh và hướng tới xây dựng thương hiệu cấp quốc gia khi đủ điều kiện. Trong, năm 2017, nên xây dựng 01 sản phẩm với cách làm: Doanh nghiệp đóng vai trò chính; các cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ và định hướng.

Thứ tư: Cần đánh giá lại các bộ giống cây trồng; giống con gia súc, gia cầm của tỉnh đang sản xuất hiện nay do ai cung ứng; sử dụng công nghệ gì để sản xuất ra; chất lượng thế nào? từ đó lựa chọn và khuyến cáo cho người sản xuất. Vai trò của các Trung tâm Khoa học và kỹ thuật của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng đầu vào này. Các đơn vị khoa học phải là người đi đầu, trước một bước so với người sản xuất; khoa học, kỹ thuật mới các đơn vị này phải đóng vai trò là người chuyển giao, có như vậy mới tránh được tình trạng tự phát, hạn chế rủi ro cho người nông dân.

Thứ năm: Tiếp tục phải khởi thông hơn nữa nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay của cả nước thì kênh huy động vốn tốt nhất đó là các tổ chức tín dụng và nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Như vậy, cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh để khơi thông nguồn vốn này.

Thứ sáu: Khai thác tốt về nguồn lực con người, ở đây chính là cán bộ của ngành nông nghiệp, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ công chức nông nghiệp xã, cán bộ khuyến nông bán chuyên trách, thú y, khuyến nông thôn bản. Đây là lực lượng gần dân nhất, sát dân nhất, đội ngũ này cần được cơ cấu lại theo hướng cần ít người nhưng làm được nhiều việc, tinh thông về nghiệp vụ. Có cơ chế động viên, hỗ trợ để tăng thu nhập, đồng thời cũng tạo ra áp lực để đội ngũ này hoạt động có hiệu quả hơn.

Một mùa xuân mới lại đang về với bà con nhân dân các dân tộc vùng cao, một vụ sản xuất mới đang bắt đầu. Hy vọng sản xuất nông lâm nghiệp Hà Giang năm 2017 sẽ thu được nhiều thắng lợi mới./.


Tin khác

Liên kết website