Tài liệu kỹ thuật

Chủ động phòng chống thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi và tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Xuân, triển khai sản xuất vụ Mùa năm 2022

26/05/2022 07:57 288 lượt xem

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Giang: Trong thời gian tới, xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu; nửa đầu mùa (tháng 6-9) xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Hà Giang khoảng từ 2-3 cơn. Trong 6 tháng cuối năm 2022, lượng mưa có xu hướng gia tăng, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình vào tháng 7-9/2022. Nhiệt độ trung bình các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ, nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, kéo dài. Các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão năm 2022.

Chủ động phòng chống thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi và tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Xuân, triển khai sản xuất vụ Mùa năm 2022

Để chủ động ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của thời tiết bảo vệ đàn vật nuôi và cây trồng vụ Xuân, triển khai tốt kế hoạch sản xuất vụ Mùa đảm bảo theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 671/SNN-CNTY ngày 25/5/2022 đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Đối với đàn gia súc, gia cầm và thủy sản

1.1. Đối với gia súc, gia cầm

          - Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thường xuyên kiểm tra chuồng trại, thực hiện tu sửa, gia cố đảm bảo chắc chắn để phòng chống dông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh bất ngờ xảy ra.

          - Di chuyển vật vuôi, chuồng trại ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

- Khuyến cáo người chăn nuôi khi có mưa lớn, dông, sét đánh, lốc xoáy, mưa đá không chăn thả gia súc, không thả dông gia súc ngoài rừng. Đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, sét đánh không thả dông gia súc trên đồi, không buộc gia súc dưới gốc cây to.

          - Phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân vùng thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất không xây dựng chuồng trại ở bãi sông, bờ suối, ta luy đồi núi. Khi có cảnh báo mưa lớn các hộ gia đình sống ven sông, suối, ven đồi núi phải chủ động sơ tán tài sản đến nơi an toàn.

          - Tổ chức vệ sinh môi trường chăn nuôi sau mưa lũ như: xử lý nguồn nước cho gia súc uống, tổ chức vệ sinh thu gom xác gia súc, gia cầm chết, rác, phun hóa chất để tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm...

1.2. Đối với nuôi thủy sản

          * Nuôi trong ao, đầm, hồ

-  Kiểm tra, tháo bớt nước trong ao, gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, căng lưới chắn phòng tràn bờ khi mưa to, gió lớn.

- Những ao nuôi đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên. Ao nuôi cần có hệ thống thoát nước mưa xung quanh.

-  Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp, ổn định môi trường.

* Nuôi cá ruộng

- Gia cố bờ ruộng chắc chắn, đắp bờ cao hơn mực nước 0,5m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.

- Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng, thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thoát cá trong ruộng. Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.

* Nuôi cá lồng, bè trên hồ, sông

- Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng. Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.

- Đối với người nuôi trồng thủy sản tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão, mưa dông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn trước khi mưa bão.

2. Đối với diện tích cây trồng vụ Xuân 2022

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay các cây trồng vụ Xuân sinh trưởng và phát triển tốt, cây lúa đang ở giai đoạn chủ yếu đòng - trỗ, một số diện tích tại các huyện vùng thấp chuẩn bị cho thu hoạch.

2.1. Trong những ngày gần đây, mưa lớn trên địa bàn tỉnh đã gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa giai đoạn chín, theo dự báo từ nay đến hết tuần đầu tháng 6/2022, mưa sẽ còn tiếp diễn trên địa bàn; để tránh thiệt hại do những đợt mưa vừa, mưa to, mưa kèm gió xoáy, gây ngập úng, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích cây trồng vụ Xuân đã đến thời kỳ thu hoạch (nhất là cây lúa Xuân đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”).

2.2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, tăng cường công tác điều tra phát hiện sớm và phòng chống kịp thời một số sâu, bệnh hại cuối vụ trên cây lúa như: Bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu trên các trà lúa chưa thu hoạch. Đặc biệt lưu ý đến các vùng thường xuyên phát sinh dịch, chân đất trũng thấp. Trên các diện tích đất lúa đã thu hoạch vụ Xuân, triển khai ngay sản xuất vụ Mùa, cày lồng vùi rơm rạ sớm, giữ nước trên ruộng, huy động mọi nguồn lực “cấy càng sớm càng tốt” để đảm bảo an toàn, hạn chế những bất thuận của thời tiết, giảm thiệt hại cho nông dân.

3. Công tác sản xuất vụ Mùa năm 2022

3.1. Tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh, kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô trang trại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi năm 2022 đạt 32% và Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 10/02/2022 về Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành chuyên môn. Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ II năm 2022.

3.2. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 17/01/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ đơn vị diện tích đất canh tác năm 2022 đạt trên 56,7 triệu đồng và hướng dẫn số 1740/SNN-TTBVTV ngày 30/11/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng năm 2022.

Trên cơ sở hướng dẫn, khuyến cáo về thời vụ, cơ cấu giống của Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương xây dựng phương án/kế hoạch sản xuất vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Lưu ý đến các diện tích đất lúa có kế hoạch sản xuất cây vụ Đông, phải đảm bảo cho trà lúa vụ Mùa thu hoạch trước 20/9 để tạo quỹ đất làm cây vụ Đông sớm; Rà soát chuyển đổi diện tích đất lúa không chủ động nước ngay từ đầu vụ để chuyển sang trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế cao hơn, đổi mới cơ cấu cây trồng trong sản xuất, kết hợp phát triển cây vụ Đông.

Chủ động nguồn cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV và vật tư nông nghiệp để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng phục vụ cho sản xuất vụ Mùa và có phương án chuẩn bị giống, phân bón dự phòng khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Có giải pháp kiểm soát, tăng cường điều tra, dự tính, dự báo sinh vật gây hại để chủ động ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh hại cây trồng.

Vụ Mùa có nhiều diễn biến phức tạp nên cần bám sát diễn biến thời tiết, có kế hoạch tưới, tiêu hợp lý, đảm bảo đủ nước tưới dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng; đồng thời có phương án tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn xảy ra, nhất là những vùng trũng thấp thường xuyên ngập úng. 

3.3. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, canh tác, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất (như máy làm đất, sử dụng mạ khay máy cấy...), thực hiện cánh đồng mẫu “5 cùng”, SRI, 3 giảm 3 tăng.... nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tiếp tục phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ đầu vào - đầu ra và bao tiêu sản phẩm.

3.4. Đối với cây rau màu cần rà soát diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, hỗ trợ liên kết sản xuất… hạn chế sản xuất tập trung 1 loại với diện tích lớn gây dư thừa. Đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung, rau hoa an toàn trong nhà lưới có đăng ký bảo đảm ATVSTP, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị đối với người sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm tạo ra giá trị gia tăng và sản xuất nông nghiệp bền vững.

3.5. Đề nghị UBND các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận biết bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam và biện pháp phòng trừ (thực hiện phòng trừ theo văn bản số 529/SNN-TTBVTV của Sở Nông nghiệp và PTNT ngày 11/5/2021). Tổ chức rà soát, kiểm tra, thống kê diện tích nhiễm bệnh vàng lá thối rễ hại cam (nếu có) và báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT.

3.6. Tiếp tục thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp và phát triển cây cam Sành của UBND tỉnh (Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 22/02/2022 về thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững năm 2022; Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 21/03/2022 về thực hiện Đề án phát triển bền vững cây Cam Sành năm 2022). Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để đảm bảo công tác tổ chức triển khai đạt hiệu quả.

3.7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y ở địa phương, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và đảm bảo cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng cho sản xuất.

3.8. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền người dân nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khí hậu, sản xuất tại địa phương và có báo cáo kịp thời khi có phát sinh trong quá trình thực hiện

Văn Tú (TTKN)

Tin khác

Liên kết website