Tài liệu kỹ thuật

Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật (tạm thời) khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam Hà Giang

29/08/2022 07:08 122 lượt xem

Căn cứ vào kết quả phân tích mẫu đất, mẫu lá, mẫu rễ và kết quả kiểm tra thực tế hiện tượng vàng lá, khô cành, sinh trưởng và phát triển kém trên cây cam; được xác định nguyên nhân ban đầu là do: (1) Người trồng cam chưa áp dụng triệt để Quy trình canh tác cho cây cam dẫn đến tình trạng cây cam bị thiếu dinh dưỡng; (2) Do dịch bệnh Greening và Tristeza; (3) Do nhóm nấm, tuyến trùng, rệp sáp có trong đất trồng cam. Hiện tượng này thường xảy ra sau những đợt mưa kéo dài, nắng nóng kéo dài, bộ rễ tơ của cây cam bị tổn thương, bị nghẹn rễ. Sau đó, bị nấm bệnh, tuyến trùng, nhóm rệp sáp hại rễ tấn công làm cho bộ rễ tơ cây cam bị thối, hỏng, không hút được nước và dinh dưỡng dẫn đến cây bị vàng lá, thối rễ.

Để có biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá, khô cành, sinh trưởng và phát triển kém trên cây cam, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi - Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn (tạm thời) biện pháp khắc phục, như sau:

Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật (tạm thời) khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam Hà Giang

1. Tiêu chí phân loại vườn

Trên cơ sở thực trạng vườn cam, người sản xuất đánh giá vườn và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Theo chuyên gia cây ăn quả có múi để phân loại vườn căn cứ vào mức độ suy thoái được đánh giá theo 3 mức, cụ thể như sau:

- Mức I: Sinh trưởng của cây bắt đầu bị giảm nhưng vẫn cho năng suất. (dưới 15 % số cây trong vườn có biểu hiện, triệu chứng lá vàng, vàng cả phiến lá và gân lá, sau đó lá rụng, chồi bị xoăn, cành bị khô; quả nhiều vết sẹo, sần sùi, khô; rễ tơ bị thối...)

- Mức II: Sinh trưởng kém, năng suất, chất lượng kém (15-dưới 50% số cây trong vườn có biểu hiện, triệu chứng lá vàng, vàng cả phiến lá và gân lá, sau đó lá rụng, chồi bị xoăn, cành bị khô và chết; thân cây có những vết thối màu nâu trên vỏ, vết nứt theo chiều dọc của thân để lộ ra phần gỗ có màu nâu, chảy nhựa; vỏ quả cứng, có vết bệnh thối nâu, ruột quả bị khô, xốp; rễ bị thối, lớp vỏ bên ngoài rễ bị bong ra chỉ còn phần lõi bên trong...)

- Mức III: Sinh trưởng rất kém gần như tàn lụi, không cho quả hoặc cho quả nhưng không sử dụng được (từ 50% số cây trong vườn trở lên có biểu hiện, triệu chứng vàng lá gân xanh, lá nhỏ, mọc thẳng đứng như tai thỏ; khô cành; thân bị lõm, thối nâu, chảy nhựa; rễ bị thối; khi trái đạt kích thước cỡ trái bóng bàn thì trái bị vàng từ phần chóp trái vàng lên cuống trái làm trái rụng hàng loạt; cây bị chết nhanh…).

2. Các giải pháp kỹ thuật áp dụng

Từ mức độ suy thoái của vườn cam, người sản xuất chọn lựa biện pháp khắc phục cho hiệu quả, cụ thể như sau:

2.1. Đối với các diện tích cam chưa có hiện tượng vàng lá, thối rễ:

- Cần thoát nước tốt sau các trận mưa.

- Làm sạch cỏ gốc theo hình tán cây, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Thực hiện bón phân cân đối, hợp lý theo nguyên tắc 5 đúng và 1 cân đối (đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách và bón cân đối). Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ (nhất là phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất, duy trì và tăng độ phì nhiêu của đất.

- Quản lý dịch hại theo phương pháp tổng hợp IPM. Cắt bỏ những cành bị khô, cành sâu bệnh hại, cành vượt.

- Đối với các vườn chủ động nước tưới thì thực hiện tưới nước đầy đủ, tạo độ ẩm vừa phải giúp cây sinh trưởng tốt hơn đặc biệt là vào khoảng thời gian mùa khô hay giai đoạn cây đang nuôi quả và khi quả sắp chín.

- Kiểm tra vườn thường xuyên nhằm phát hiện sớm nhất sâu bệnh và để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

2.2. Đối với vườn cam bị vàng lá, thối rễ với mật độ thấp thực hiện các bước (tương ứng với mức độ suy thoái 1):

- Cần thoát nước tốt sau các trận mưa.

- Làm sạch cỏ gốc theo hình tán cây, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây cam.

- Cắt bỏ những cành bị khô, cành sâu bệnh hại, cành vượt…

- Cần tưới vườn đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng trở lại.

- Phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh Aliette 800WG, Alpine 80WG và Ridomil Gold 68WG lên cây cam và toàn bộ vùng đất trồng cây cam.

- Tưới thuốc trừ nhóm rệp sáp hại rễ Movento 150OD của công ty Bayer, tuyến trùng hại rễ Syngenta Tervigo của công ty Syngenta vào trong đất.

- Tưới phân kích rễ theo hình tán cây cam để bộ rễ tơ mới phát triển (có thể sử dụng phân bón TrimixDT Super Roots hoặc Trimix DT02 của công ty Điền Trang, Bioking, Đạm cá…).

- Sau đó tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng, hanh khô và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh và phân NPK tổng hợp hàng tháng thì sẽ khắc phục được hiện tượng nêu trên.

2.3. Đối với vườn cam bị vàng lá, thối rễ với mật độ cao thực hiện các bước (tương ứng với mức độ suy thoái 2):

- Tiêu hủy ngay những cây bị vàng lá, thối rễ nặng không có khả năng hồi phục ra khỏi vườn cây cam, sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc nấm, thuốc trừ rệp sáp và tuyến trùng vào khu vực cây bị tiêu hủy để khống chế nguồn bệnh, rệp sáp và tuyến trùng lây lan.

- Cần thoát nước tốt sau các trận mưa.

- Làm sạch cỏ gốc theo hình tán cây, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây cam.

- Cắt bỏ những cành bị khô, cành sâu bệnh hại…

- Xới nhẹ 5 – 10 cm vùng đất bốn xung quanh tán cây cam.

- Cần tưới vườn đủ ẩm trong những ngày nắng nóng kéo dài.

- Phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh Aliette 800WG, Alpine 80WG và Ridomil Gold 68WG; Tưới thuốc trừ nhóm rệp sáp hại rễ Movento 150OD của công ty Bayer, tuyến trùng hại rễ Syngenta Tervigo của công ty Syngenta theo khuyến cáo của nhà sản xuất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày vào toàn bộ vùng đất trồng cây cam.

- Tưới phân kích rễ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tưới 1 lần/tuần, tưới theo hình tán cây cam để bộ rễ tơ mới phát triển (có thể sử dụng phân bón TrimixDT Super Roots hoặc Trimix DT02 của công ty Điền Trang, Bioking, Đạm cá…).

- Sau đó tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng, hanh khô và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh + phân bón NPK tổng hợp hàng tháng thì sẽ khắc phục được hiện tượng nêu trên.

2.4. Đối với các diện tích không có khả năng hồi phục (tương ứng với mức độ suy thoái 3).

Hướng dẫn người sản xuất chuyển đổi sang cây trồng khác theo nhu cầu thị trường và thực hiện xử lý đất trước khi gieo trồng, cụ thể: Cuốc đất, phơi khô, bón vôi cho đất; làm cho đất tơi xốp và bổ sung, tăng cường chất dinh dưỡng cho đất. Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh đã qua xử lý (phân chuồng hoai mục) để bón cho đất, nhằm đảm bảo an toàn tốt cho đất, cung cấp chất dinh dưỡng và mang lại hiệu quả tự tái tạo, tăng độ xốp cho đất.

* Chú ý: Cần áp dụng triệt để Quy trình thâm canh cây cam, sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh hàng năm để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng.

Sở Nông nghiệp và PTNT trân trọng hướng dẫn./.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang

Tin khác

Liên kết website