Trồng trọt - BVTV

Hướng dẫn thực hiện chăm sóc, thu hái, bảo quản và vận chuyển quả cho vườn cam trong thời kỳ kinh doanh

25/03/2020 00:00 663 lượt xem

1. Thiết kế, định hình lại mật độ vườn

Mật độ cam phù hợp nhất tại Hà Giang là khoảng cách 4x5m (tương đương 500 cây/ha). Với mật độ này cây cam sẽ cho năng suất cao nhất; Quản lý cây trồng cũng dễ dàng hơn (từ quản lý dịch hại, tỉa cành, tạo tán, thu hoạch và các quản lý khác trong áp dụng IPM, VietGAP ….); có nhiều không gian lộc mang quả và lá dự trữ dinh dưỡng để nuôi quả; hạn chế sâu bệnh hại; số lượng phân bón và thuốc BVTV sử dụng ít hơn; Giảm số công lao động khi thực hiện chăm sóc vườn; thực hiện trồng xen góp phần: nâng cao hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích, giảm hiện tượng xói mòn đất, tạo thêm thu nhập cho người dân, giảm một số loại côn trùng là tác nhân lây bệnh cho cây ăn quả có múi. Do vậy, cần thiết kế, định hình lại vườn (áp dụng cho các vườn trước đây trồng không được thiết kế).

Kỹ thuật sử dụng:

- Tạo lô, băng, đường công tác … bằng cách định vị lại các hàng, băng dựa trên vị trí cây trồng có sẵn ở các mô hình. Từ đó, sửa hàng, tạo thành các đường đồng mức hoặc gần như đường đồng mức. Nối liền giữa các đường đồng mức tiến hành tạo đường giao thông liên kết, đường phân lô. Từ đó, sẽ giúp người sản xuất dễ dàng hơn trong quá trình vận chuyển vật tư chăm sóc, chăm sóc, thu hái và vận chuyển quả...

- Định hình các vị trí gốc cây đảm bảo có băng, lô rõ ràng. Đồng thời đối với vườn, khu vực trồng với mật độ quá dày tiến hành tỉa bớt cây, và với những vườn, khu vực trồng có mật độ quá thưa tiến hành trồng bổ sung; Những cây bị  sâu bệnh hại  nặng, giống bị thoái hóa tiến hành loại bỏ, trồng thay thế …. đảm bảo mật độ hợp lý 4m x 5m.

- Tiến hành trồng xen các loại cây dược liệu như gừng, địa liền có khả năng chịu bóng dưới tán hoặc chống xói mòn ở các vị trí dễ tạo dòng chảy bề mặt và bố trí trồng xen cây ổi có tác dụng xua đuổi rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh Greening).

2. Quản lý dinh dưỡng

Dựa trên nguyên tắc: Quá trình sản xuất lấy đi bao nhiêu thì trả lại cho đất bấy nhiêu. Vì vậy, việc thực hiện bón phân dựa vào năng suất của năm trước để định lượng phân bón cho năm sau và các hao hụt khác, như: xói mòn, bốc hơi… trong quá trình sản xuất để bổ sung cho đất. Đồng thời quan sát trực tiếp so sánh triệu chứng thiếu hụt hoặc dư thừa cục bộ, kết hợp sử dụng kỹ thuật chuẩn đoán dinh dưỡng lá và phân tích thành phần dinh dưỡng đất sẽ giúp cho người sản xuất biết được chính xác yếu tố dinh dưỡng và liều lượng thiếu hụt cần bổ sung hoặc dư thừa cần điều chỉnh cho từng giai đoạn.

Kỹ thuật bón phân:

- Thực hiện bón phân theo nhu cầu về độ tuổi của cây cam, theo bảng sau:

Tuổi cây (năm)

Vôi bột (kg)

Phân hữu cơ

Đạm urê (kg)

Lân supe (kg)

Kali clorua (kg)

Phân chuồng hoai mục (kg)

Hoặc phân hữu cơ vi sinh (kg/cây)

1 - 3

0,5

25 - 30

2 - 3

0,3 - 0,6

1,0 - 1,5

0,3 - 0,5

4 - 6

0,5

50 - 70

3 - 5

0,8 - 1,0

1,5 - 2,0

0,5 - 1,0

7 - 10

0,5

70 - 100

6 - 9

1 - 1,5

2,0 - 3,0

1 - 1,5

>10

0,5

> 100

10

1,5 - 1,8

3,0 - 3,5

1,5 - 1,8

 

* Lưu ý:

Tùy vào điều kiện canh tác có thể quy đổi để sử dụng phân bón NPK, các loại phân khác có hàm lượng dinh dưỡng tương đương hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đối với phân hữu cơ: Sử dụng phân chuồng để bón hoặc phân hữu cơ vi sinh.

Khuyến cáo người sản xuất cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ hoặc phân bón vi sinh để làm tăng độ phì của đất, đồng thời đảm bảo cân đối các yếu tố dinh dưỡng vi lượng và sẽ giúp cây sử dụng các loại phân đa, trung lượng hiệu quả hơn. Cụ thể nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh như: ECO GROW; FUSA EMZ - USA... (lưu ý khi sử dụng các phân bón hữu cơ vi sinh này cần đọc kỹ và thực hiện theo hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất in trên bao bì).

- Thời kỳ bón phân:

+ Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ 1-3 năm tuổi) bón 4 lần/năm, riêng phân đạm, phân kali chia đều thành 4 lần bón:

Lần 1 (tháng 2): Bón 100% phân chuồng hoai + 100% vôi bột + 50% phân lân + phân đạm, phân kali, bón để thúc đẩy sinh trưởng và nuôi dưỡng lộc xuân.

* Lưu ý: Phân chuồng được trộn ủ cùng với vôi bột trước khi bón 1-3 tháng.

Lần 2 (tháng 5): Bón 25% phân lân + phân đạm, phân kali, bón để thúc đẩy sinh trưởng và nuôi dưỡng lộc hè.

Lần 3 (tháng 8): Bón phân đạm urê, phân kali vào để thúc đẩy sinh trưởng và nuôi dưỡng lộc thu.

Lần 4 (tháng 10): Bón phân đạm, phân kali vào để duy trì sinh trưởng trong mùa đông, chống rét.

+ Cây trong thời kỳ kinh doanh (từ 4 năm tuổi trở lên) bón 3 đợt/năm:

 Đợt 1 (tháng 12 -1 năm sau):  Bón: 100% phân chuồng hoai + 50% phân đạm  + 50% phân lân + 30% phân kali, bón ngay sau khi thu hoạch quả.

Đợt 2 (tháng 4): Bón 40% phân đạm + 50% phân lân + 30% phân kali, bón thúc quả.

Đợt 3 (tháng 8-9): Bón 10% phân đạm + 40% phân kali.

- Cách bón: Đào rãnh theo hình chiếu của tán xung quanh gốc cây với độ sâu 15-20cm, rộng 20-30cm, rải đều phân rồi lấp kín bằng đất + tủ rơm, rạ để giữ ẩm hoặc với các loại phân hóa học hòa tan với nước sạch rồi tưới đều xung quan tán cây, sau đó tưới nước giữ ẩm thường xuyên hay sau các trận mưa, rắc đều phân lên trên mặt đất rồi tưới nhẹ cho phân tan ra. Nếu có hệ thống  tưới phun mưa, tưới khoảng 20 phút, sau đó rắc phân rồi lại tưới khoảng 20 phút nữa.

3. Quản lý ẩm độ (nước)

Kỹ thuật sử dụng: Xác định độ ẩm đất bằng trương lực kế (máy đo độ ẩm). Khi đất bị thấm nước và bão hòa nước tức ở trạng thái nước tự do, lực hút của đất lúc đó bằng 0.atm. Sau một hoặc hai ngày nước thoát rút, trạng thái đất lúc đó đạt ở mức “thủy dung ngoài đồng” và lực hút tương ứng 0,33 atm. Nếu lực hút đạt xuống còn 15 atm (-15 bar), lúc đó đất ở trạng thái “điểm héo thường xuyên”. Sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây giúp khắc phục các hiện tượng thời tiết cực đoan, tăng cường tiết kiệm nước và điều tiết độ ẩm theo nhu cầu của cây trồng, cụ thể:

- Thời kỳ ra hoa, đậu quả và phát triển chồi mới: Thời kỳ này, yêu cầu độ ẩm của đất đạt mức tối đa. Nếu giai đoạn này, trời không mưa việc cung cấp nước và duy trì độ ẩm đất tốt là cần thiết. Chỉ số đọc ở trương lực kế cần đạt từ 30 - 60 Cbar.

- Thời kỳ phát triển quả (cuối giai đoạn rụng quả sinh lý): Thời kỳ này kéo dài cho đến cuối giai đoạn phát triển quả, cây cần rất nhiều nước (đặc biệt là khi nhiệt độ ngoài trời cao). Chỉ số đọc ở trương lực kế cần đạt từ 60 - 90 Cbar.

- Thời kỳ quả chín: Ở giai đoạn này, không chỉ số lượng mà chất lượng quả còn quan trọng hơn, vì vậy đất nên giữ vừa khô, không cần phải tưới nước.

- Thời kỳ sau thu hoạch: Sau khi quả được thu hoạch, cây cần một ít nước để duy trì sự phát triển.

4. Quản lý dịch hại

- Thực hiện phòng trừ các đối tượng dịch hại theo Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cam (IPM). Trong đó, ưu tiên bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên và sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học như Abamectin, Emamectin kết hợp với dầu khoáng...

- Một số loại sâu bệnh hại chính trên Cam: Bệnh Greening, Tristeza, bệnh thối trái cam do nấm Phytopthora sp, rầy chổng cánh, nhóm nhện đỏ, các loại rệp,.…. thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra để hạn chế sâu bệnh nên sử dụng giống sạch bệnh và có nguồn gốc địa chỉ uy tín rõ ràng.

5. Quản lý cỏ dại

- Cỏ dại cạnh tranh về nước, dinh dưỡng, ánh sáng đối với các loại cây trồng, do vậy làm sạch cỏ giúp cho vườn cây sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất, chất lượng cao hơn. Làm cỏ để hạn chế được nơi trú ngụ, nguồn thức ăn phụ, nguồn lây lan của nhiều loại sâu bệnh gây hại cây trồng.

- Kỹ thuật sử dụng: Sử dụng các biện pháp cơ giới (thủ công hoặc máy móc) làm sạch cỏ dại trên bề mặt vườn sản xuất. Sau đó, dùng nilon che phủ chuyên dụng hoặc vật liệu che phủ hợp lý khác che toàn bộ hoặc gần toàn bộ bề mặt.

6. Cắt tỉa, tạo tán

- Sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để cắt tỉa tán cây sao cho hợp lý sẽ duy trì được sức sống cũng như năng suất, chất lượng quả của vườn cam. Tiến hành cắt tỉa lọai bỏ những cành sâu, bệnh, cành vượt giúp cấy nhận được nhiều ánh sáng và không khí.  

- Sau mỗi vụ thu hoạch phải cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành tăm hương, cành vượt để tạo bộ tán hợp lý cho cây.

7. Kỹ thuật làm tăng khả năng ra hoa, đậu quả

- Đối với những vườn do bón phân không cân đối, tiến hành quan trắc trực tiếp hoặc lấy mẫu lá, đất phân tích nhanh xác định yếu tố thiếu hụt hoặc dư thừa rồi đưa ra biện pháp điều chỉnh thích hợp. Cùng với việc cắt tỉa tạo tán, sử dụng kỹ thuật khoanh vỏ, kích thích phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả và hạn chế sự rụng quả cho cây cam.

- Đối với những năm gặp điều kiện bất thuận:

+ Nếu mưa nhiều về cuối năm: Để làm tăng khả năng phân hóa mầm hoa, tùy vào từng điều kiện cụ thể có thể sử dụng các biện pháp gây Stress cho cây như: khoanh cành, chặn rễ, tăng cường bón phân chuồng, lân và kali, hoặc phun bổ sung các chất điều tiết có tác dụng ức chế sinh trưởng.

+ Nếu hạn nhiều vào giai đoạn ra hoa, đậu quả: Ngoài việc bổ sung nước tưới kịp thời, có thể sử dụng phân bón vi lượng bổ sung làm giảm nguy cơ thiếu Bo.

+ Nếu mưa nhiều vào giai đoạn nở hoa: Phun hoặc bón bổ sung Bo thuần để tăng sức sống của hạt phấn, giúp tăng khả năng thụ tinh, giảm tỷ lệ rụng quả non. Bên cạnh đó cũng có thể tiến hành khoanh cành sau đậu quả, cũng có tác dụng làm tăng tỷ lệ đậu quả non. Hoặc sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng mang bản chất Gibberellin, Cytokinin …

8. Kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

- Thời điểm thu hoạch: Ưu tiên thu hoạch vào những ngày nắng ráo, ẩm độ thấp. Quả nên được thu hoạch ngay sau khi sương bốc hết. Vào ngày trời u ám, nhiều mây thì ưu tiên thu hoạch vào buổi chiều. Trong quá trình thu hái cẩn thận không làm tổn thương đến bề mặt quả, cắt cuống sát quả để tránh cuống làm tổn thương đến quả khác trong quá trình vận chuyển.

- Thùng chứa dùng cho thu hoạch: Thùng chứa dùng cho quả mới thu hoạch phải chắc chắn, có thông gió tốt. Đáy thùng chứa cần được lót bằng giấy báo hoặc rơm rạ khô sạch, bao tải nilon sạch. Sử dụng kéo chuyên dụng để cắt quả.

- Phân loại quả: Quả thu hoạch cần vệ sinh quả nhằm loại bỏ các chất bẩn bám dính trên quả, các vi sinh vật và nấm bệnh trên quả. Trước khi cho vào thùng cần được phân loại theo kích cỡ, quả cùng kích cỡ sẽ được đóng cùng một thùng sẽ tiện cho việc đóng gói, giảm va chạm, cũng như dễ dàng định giá sản phẩm.

- Xử lý quả sau thu hoạch: Sau khi quả được phân loại, loại bỏ những quả có vết bầm dập, xước tiến hành thanh trùng bằng Alcoloit và bọc quả bằng lớp màng bán thấm BQE hoặc Chitosan.

9. Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)

Trong thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho cam, các yêu cầu bắt buộc đối với quá trình sản xuất gồm các nội dung sau:

(1). Đánh giá lựa chọn khu vực sản xuất.

(2). Quản lý đất, giá thể, nước và vật tư đầu vào.

(3). Thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sản phẩm.

(4). Quản lý rác thải, chất thải.

(5). Người lao động.

(Chi tiết tại Tiêu chuẩn quốc gia thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam lĩnh vực trồng trọt (TCVN 11892-1:2017)).


Tin khác

Liên kết website