Trồng trọt - BVTV

Hội nghị Tổng kết mô hình thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu tại khu vực miền núi phía Bắc” năm 2019

29/11/2019 00:00 299 lượt xem

Ngày 27/11/2019, tại thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, phối hợp với UBND thị trấn Phố Bảng và UBND xã Phố Cáo tổ chức Hội nghị Tổng kết mô hình thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương năm 2019 “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu tại khu vực miền núi phía Bắc”. Tham dự Hội nghị có 70 đại biểu gồm: Lãnh đạo, đại diện Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Lào Cai; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang; Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng; Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Đồng Văn; lãnh đạo UBND, cán bộ nông nghiệp phụ trách công tác khuyến nông, bí thư, trưởng thôn, các tổ viên HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp thị trấn Phố Bảng và các hộ tham gia mô hình trên địa bàn thị trấn Phố Bảng và xã Phố Cáo.

Mô hình thuộc dự án gồm: Mô hình trồng mới cây dược liệu (cây Đương quy Nhật), quy mô 10 ha triển khai 2 điểm trình diễn (05 ha/ điểm trình diễn) tại thôn Phố Trồ, thị trấn Phố Bảng và thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn  và mô hình hỗ trợ máy sơ chế, quy mô 2 máy (01 mấy sấy, 01 máy rửa nông sản) triển khai tại HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Phố Bảng, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn.

Sau khi thăm quan thực tế và nghe báo cáo kết quả thực hiện mô hình thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương“Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu tại khu vực miền núi phía Bắc” năm 2019. Các đại biểu tham gia thảo luận và cơ bản đồng tình nhất trí cao với kết quả mô hình đạt được: Mô hình trồng mới cây dược liệu (cây Đương quy Nhật) sau 12 tháng trồng, chăm sóc cho năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha (cao hơn sản xuất đại trà 2,7 tấn/ha), sau khi trừ các chi phí (chưa tính công lao động) lợi nhuận trung bình đạt gần 200 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất đại trà. Ngoài ra, mô hình tạo nguồn dược liệu an toàn chất lượng cao cho cộng đồng và góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại địa phương. Mô hình hỗ trợ máy sơ chế (01 mấy sấy, 01 máy rửa nông sản) đã giúp nâng cao năng suất lao động, cụ thể: Máy sấy có công suất 3-5 tạ/mẻ, thời gian sấy 8-12 tiếng/mẻ; máy rửa có công suất 1,5-2 tạ/mẻ thời gian rửa 30-60 phút/mẻ tùy loại nông sản, dược liệu. Máy sấy trung bình 23 tấn nguyên liệu, tăng hiệu quả máy sơ chế >15% so với yêu cầu mô hình.

Kết luận tại Hội nghị, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực UBND, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn; sự phối hợp giữa Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng, UBND thị trấn Phố Bảng, xã Phố Cáo, HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp phố Bảng, các đơn vị cung ứng giống, phân bón, thiết bị sấy, rửa dược liệu và các hộ trực tiếp thực hiện mô hình đã bám sát nội dung mang lại kết quả cao cho mô hình, đáp ứng các mục tiêu dự án đề ra. Từ đó, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng hiệu quả của dự án trong thời gian tiếp theo đề nghị UBND và các phòng, ban chuyên môn của huyện; các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện mô hình và tuyên truyền quảng bá hiệu quả của mô hình đến các hộ nông dân trên trên địa bàn huyện Đồng văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.


Tin khác

Liên kết website