CẢI TẠO VƯỜN TẠP

Xanh mảnh vườn, tươi màu no ấm

14/06/2022 06:44 118 lượt xem

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đã thực sự đi vào cuộc sống. Khắp các xã, thôn vùng sâu, xa của tỉnh, màu xanh tươi tốt của những vườn rau, cây ăn quả đã thay thế cho mảnh vườn tạp canh tác kém hiệu quả trước đây, tô thêm những gam màu xanh mới cho cuộc sống.

Xanh mảnh vườn, tươi màu no ấm
Người dân thôn Xếp, xã Đản Ván (Hoàng Su Phì) cải tạo vườn tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao

Đến thăm mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình anh Lý Văn Đông, thôn 4 Nậm Ai, xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước hệ thống vườn – ao – chuồng quy củ của gia đình. Thực hiện Nghị quyết của tỉnh, gia đình anh đã cải tạo khu vườn tạp của gia đình với tổng diện tích trên 6.000 m2. Để thuận tiện cho quá trình sản xuất, anh đã chia vườn ra thành khu vực chăn nuôi, trồng trọt và ao cá theo sơ đồ quy hoạch của chính quyền địa phương. Sau gần 1 năm thực hiện, mô hình đã đem lại thu nhập bước đầu cho gia đình. Anh Lý Văn Đông cho biết: Được sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn liên kết với 3 trường học trên địa bàn để cung ứng rau sạch cho bữa ăn bán trú của học sinh. Mùa nào thức nấy, các loại rau xanh của gia đình luôn phong phú về chủng loại, từ rau ăn lá, củ, quả và luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với việc xuất bán thịt lợn hơi và cá, bình quân thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. So với trước đây thì mô hình cải tạo vườn tạp đã giúp gia đình nâng cao thu nhập hơn nhiều.

Năm 2021, toàn tỉnh có 2.477 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp. Trong đó có 1.220 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh. Đến hết năm 2021, có 1.032 hộ được giải ngân vay vốn với tổng số tiền 30.355 triệu đồng, vượt 289% so với kế hoạch. Sau khi được giải ngân, các hộ đã sử dụng vốn vay vào sản xuất, đầu tư mua cây, con giống; vật tư nông nghiệp phục vụ chăm sóc cây trồng, vật nuôi và vật liệu xây dựng để sửa chữa chuồng trại, hàng rào.

Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo trong năm 2021 là 288,91 ha, gồm cải tạo trồng cây ăn quả, các loại rau màu, nuôi thủy sản, xây dựng chuồng trại. Tính đến tháng 12.2021, khoảng 2/3 trong số các mô hình cải tạo vườn tạp đã cho thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình. Theo tính toán, bình quân lợi nhuận sau khi trừ chi phí của các hộ/năm là khoảng 8,3 triệu đồng; thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp. Các huyện có nhiều mô hình cho thu nhập trên 10 triệu đồng/hộ gồm Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh; các huyện còn lại thu nhập từ 4,4 - 9,4 triệu đồng/hộ. Do là năm đầu triển khai thực hiện, các vườn mới được cải tạo, các hộ đang trong giai đoạn tích lũy và gây dựng lại sản xuất (như gây dựng nguồn giống vật nuôi, cải tạo đất sản xuất) nên thu nhập mang lại chưa cao.

Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Tính đến tháng 12.2021, còn một số hộ chưa cho thu nhập từ mô hình do triển khai muộn. Mặt khác, một số hộ sử dụng cây, con giống dài ngày như trồng cây ăn quả; chăn nuôi trâu, bò nên chưa cho sản phẩm. Tuy chưa đem lại thu nhập nhưng các hộ vẫn rất hào hứng và quyết tâm thực hiện. Sau một năm triển khai, có thể khẳng định Nghị quyết 05 đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân; không gian sinh sống của hộ gia đình được sắp xếp hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi cho quá trình sinh hoạt, sản xuất; tác động mạnh đến Chương trình xây dựng Nông thôn mới của các địa phương.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp, nhiều địa phương đã có các sáng kiến, cách làm hay phù hợp với thực tiễn của địa phương. Điển hình như huyện Bắc Quang đã xây dựng chuỗi liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ các hộ cải tạo vườn tạp và bao tiêu tiêu thụ sản phẩm. Huyện Hoàng Su Phì hướng dẫn các hộ tự cập nhật ghi chép, theo dõi thu chi trong sản xuất; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như che phủ ni lông cho cây trồng, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, chất thải bằng biện pháp nuôi giun Quế và làm bể Biogas. Huyện Quản Bạ thực hiện bù đất, lấp đá mở rộng diện tích đất canh tác, thực hiện khu dân cư kiểu mẫu…

Thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân cũng là hiệu quả tích cực từ thực hiện cải tạo vườn tạp. Nông dân đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Văn Tú (Theo Báo Hà Giang điện tử)

Tin khác

Liên kết website