Lĩnh vực khác

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển

18/07/2018 00:00 97 lượt xem

Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT), HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển và được củng cố; nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của HTX ngày càng được nâng cao; công tác lãnh, chỉ đạo phát triển KTTT được quan tâm sâu sát. Qua đó, xuất hiện các HTX kiểu mới, hướng tới sản xuất quy mô lớn, chất lượng, năng suất cao; sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Phát triển HTX luôn được tỉnh quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ, được các sở ngành hướng dẫn, các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Các chính sách phát triển KTTT được chú trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ bản chất của mô hình HTX kiểu mới; từ đó, tự nguyện tham gia thành lập các tổ chức KTTT. Qua đó, HTX phát triển ngày càng tăng cả về số lượng, đa dạng về hình thức, từng bước hoạt động có hiệu quả, tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù như: Sản phẩm cam, dược liệu, chè, dứa, mía, nuôi ong, chăn nuôi gia súc…, và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân; đem lại lợi ích cho các thành viên và người lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có 285 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012; trong đó, HTX trồng trọt có 58; dược liệu có 13 HTX; chăn nuôi có 29 HTX; lâm nghiệp 5 HTX; thủy sản 7 HTX; nước sạch nông thôn 17 HTX; dịch vụ tổng hợp 70 HTX và HTX mô hình thôn Chang có 86. Có 224 HTX đã được xếp loại theo Thông tư 09/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Toàn tỉnh hiện có 29/285 HTX có có sản phẩm hàng hóa, chiếm 10,18%; gồm nhóm sản phẩm dược liệu, nhóm đồ uống và nhóm sản phẩm thực phẩm… Hầu hết các HTX đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dịch vụ. Sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012, một số HTX đã chủ động xây dựng phương án hoạt động phù hợp, đã tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hoàn thành tiêu chí trong xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong sản xuất nông nghiệp, HTX đóng vai trò rất quan trọng nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như: Thiếu quỹ đất xây dựng trụ sở, kho, xưởng sản xuất, bảo quản sản phẩm. Các huyện thành phố thiếu quỹ đất sạch để bố trí, cấp đất cho các HTX; hoặc có quỹ đất thì không thuận lợi để xây dựng trụ sở, kho, xưởng. Thiếu vốn hoạt động; mức độ góp vốn của các thành viên vào HTX còn hạn chế. Nhiều HTX đang rất khát vốn để mở rộng sản xuất, nhưng khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp… Đơn cử như HTX chăn nuôi tổng hợp Huy Yến, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê được thành lập từ năm 2013, với quy mô chăn nuôi hàng nghìn con lợn, hơn 2.000 con gia cầm. Đầu năm 2017, được huyện Bắc Mê tạo điều kiện cho thuê đất với diện tích hơn 1.000 m2 để xây dựng 3 dãy chuồng trại kiên cố. Khi Nghị quyết số 209 được ban hành, HTX đã làm thủ tục vay vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tuy nhiên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lý do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX là đất Nhà nước cho thuê.

Để khắc phục những khó khăn về vốn cho các HTX nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách hiện hành để hỗ trợ, nhiều chính sách hỗ trợ đã được áp dụng như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; chính sách hỗ trợ về khoa học và công nghệ… Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm, quan tâm hình thành thêm nhiều HTX và coi các HTX này như những doanh nghiệp thực sự. Mặt khác, các huyện, thành phố phải thấy rõ vai trò của HTX trong phát triển KT-XH địa phương; thường xuyên kiểm tra, xử lý và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vai trò của đội ngũ cán bộ phải thực sự tâm huyết, năng nổ để đưa chính sách đến với người dân, đến với HTX; từ thực tiễn hoạt động của địa phương, đơn vị cần đề xuất những cách làm phù hợp, tạo điều kiện phát triển cho các HTX.

Có thể nói, khi tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp đã tạo động lực cho các HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; hoạt động của HTX nông nghiệp ngày càng phát triển và đứng vững trong thời kỳ đổi mới, khẳng định được vị thế quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để tiếp tục có những thành công hơn nữa cần có sự thay đổi về nhận thức, quyết tâm, ý thức trách nhiệm và cùng hành động của các ngành, các cấp cũng như chính các HTX.


Tin khác

Liên kết website