HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP

Chỉ đạo chống rét cho cây trồng vụ Xuân 2024

25/01/2024 15:20 64 lượt xem

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh phía Bắc có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại và có khả năng xảy ra băng giá ở một số vùng miền núi phía Bắc.

Chỉ đạo chống rét cho cây trồng vụ Xuân 2024

Để sản xuất cây trồng an toàn đạt kết quả tốt, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản 113/SNN-TTBVTV ngày 25/01/2024 về việc chỉ đạo chống rét cho cây trồng vụ Xuân năm 2024 đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Văn bản số 2366/SNN-TTBVTV ngày 25/12/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thu hoạch vụ Đông năm 2023, chuẩn bị sản xuất vụ Xuân năm 2024; Văn bản số 71/SNN-TTBVTV ngày 16/01/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về đôn đốc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực cây trồng nông nghiệp vụ Đông năm 2023 và chuẩn bị cho sản xuất vụ Xuân năm 2024.

2. Đối với sản xuất lúa vụ Xuân 2024

2.1. Khi có dự báo xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại xảy ra, nhiệt độ xuống dưới 15oC:

- Tuyệt đối không cấy, tỉa dặm, bón phân đạm.

- Đối với mạ đã gieo: Thực hiện che phủ kín ni lông bằng nilon trắng cho 100% diện tích mạ, bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ.

- Đối với mạ dược non: Đảm bảo giữ đủ ẩm cho mạ, giữ nước săm sắp mặt ruộng.

- Đối với mạ dược đã lên xanh tốt: Cần đưa nước vào ngập 1/3-1/2 cây mạ.

- Đối với mạ sân: Cần tưới ẩm, tuyệt đối không để mạ bị khô hạn.

2.2. Khi nhiệt độ trên 15oC:

- Đối với diện tích lúa đã gieo, cấy:

+ Đối với diện tích bị ảnh hưởng: Kiểm tra, đánh giá và có phương án cấy dặm hoặc gieo lại.

+ Đối với diện tích lúa không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng ít: Tiến hành chăm sóc kịp thời, kết hợp bón phân kali, phân lân không bón phân đạm; duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

- Đối với diện tích mạ đã gieo:

+ Mở nilon ở 2 đầu luống, không mở hoàn toàn ngay để tránh mạ bị sốc nhiệt.

+ Cần cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng, …theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng khả năng chống chịu và khả năng phục hồi cho mạ.

- Tiến hành gieo đối với thóc giống đã ngâm ủ nảy mầm; chỉ cấy khi mạ đã phục hồi ra rễ trắng và đủ tuổi.

 2.3. Chuẩn bị đủ hạt giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn dự phòng để sẵn sàng gieo cấy bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết rét.

 3. Đối với cây rau màu

3.1. Khi có dự báo xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại xảy ra, nhiệt độ xuống dưới 15oC:

- Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

- Tưới đủ ẩm; bón thêm phân kali, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ,... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; đối với nhóm rau ăn lá nên che bằng nilon trắng.

 - Theo dõi sát tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng để có biện pháp phòng, trừ kịp thời.

- Những ngày có sương muối, băng giá dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.

 3.2. Khi nhiệt độ trên 15oC:

- Với diện tích rau đã bị thiệt hại nặng không thể hồi phục do rét, sương muối, nếu còn thời vụ thực hiện gieo lại bằng nguồn hạt giống rau dự phòng.

 - Đối với diện tích rau nếu có bị thiệt hại nhẹ có khả năng phục hồi, cần hướng dẫn nông dân bón phân NPK, phân hữu cơ, phân bón lá, các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng, … theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng khả năng phục hồi cho cây, không bón phân đạm đơn.

4. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả

- Đối với các vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ giốc giữ ấm cho cây. Thực thiện việc bao tán cho cây bằng túi nilon, nhằm ngăn chặn sương muối và giữ ấm cho toàn bộ tán lá cây. Đồng thời chuẩn bị nguồn giống dự phòng để trồng giặm đối với những diện tích bị chết.

- Đối với cây đang trong thời kỳ kinh doanh:

+ Bổ sung thêm phân kali, phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét cho cây.

+ Tiến hành tủ gốc bằng tàn dư thực vật, chất hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để giữ ấm giữ ẩm cho gốc và rễ cây.

+ Khi có dự báo sương muối, rét đậm rét hại những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, nếu có che cho cây để giảm tác hại của rét đậm, rét hại.

+ Đối với cây cao su: Điều chỉnh lượng phân bón, tăng cường kali, giảm NPK vào đợt cuối trước mùa đông để tăng khả năng chịu rét cho cây cao su.

- Những diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại do băng tuyết nặng, có hiện tượng bị cháy lá, cành thì tiến hành cưa vát dưới phần bị chết 15- 20 cm (dùng cưa để cưa thân không được dùng dao chặt), những diện tích bị nhẹ tiến hành cắt dưới những phần bị chết từ 5-10cm, tủ gốc, giữ ấm để sang Xuân khi các cành bật lộc những diện tích bị nhẹ tiến hành cắt cành dưới phần bị chết 5-10 cm, tủ gốc giữ ầm, giữ ấm. Sau 1-2 tháng thì tiến hành tỉa chồi, chỉ để lại 4- 5 chồi to khỏe phân bố đều quanh gốc, khi các chồi này cao 20-30 cm thì tiếp tục tỉa định chồi, chỉ giữ lại 1-2 chồi tốt nhất để tạo thân mới, thường xuyên vặt bỏ các chồi ra sau để sang Xuân tiếp tục chăm bón phục hồi

5. Chỉ đạo nhân dân chủ động chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho vụ Xuân và cả năm 2024. Khuyến khích sử dụng các giống lai ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, điều kiện ngoại cảnh bất thuận và tổ chức ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ đạo, tổ chức triển khai hướng dẫn nhân dân thực hiện gieo trồng bám sát theo hướng dẫn cơ cấu giống, khung thời vụ gieo trồng do Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn.

6. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên đưa tin chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng để nông dân nắm bắt kịp thời và áp dụng trong sản xuất đạt hiệu quả.

7. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo kịp thời về Sở khi có diễn biến bất thường.

Nguyễn Văn Tú (Chi cục Trồng trọt và BVTV)

Tin khác

Liên kết website