HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP

Hội nghị Tổng kết các hoạt động Dự án bảo tồn tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang giai đoạn 2001 - 2021

28/12/2021 08:17 179 lượt xem

Ngày 23/12/2021, tại Khách sạn Đức Giang, thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế  (FFI) tổ chức Hội  nghị Tổng kết các hoạt động Dự án bảo tồn tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang giai đoạn 2001 -2021. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ,  Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Nguyên và Môi trường, phòng PA01 và PA04 - Công an tỉnh, Tổ chức FFI, Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng đặc dụng, Dự án KfW8 tỉnh Hà Giang; các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, Du Già  và các chuyên gia về bảo tồn Động thực vật hoang dã; đại diện các xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài huyện Quản Bạ, các xã Minh Sơn, Yên Định huyện Bắc Mê, xã Tùng Bá huyện Vị Xuyên, các thành viên các tổ tuần rừng do FFI tài trợ.

Hội  nghị Tổng kết các hoạt động Dự án bảo tồn tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang giai đoạn 2001 - 2021

Voọc mũi hếch tại Hà Giang được phát hiện vào năm 2000 với khoảng 60 cá thể tại khu rừng Khau Ca cho đến nay đã phát triển lên khoảng 160 cá thể, gồm: Rừng  Khau Ca khoảng 136 cá thể, khu vực rừng thuộc các xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài gần 40 cá thể. Do đó, cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển loài linh trưởng quý hiếm này của các hoạt động Dự án bảo tồn tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang giai đoạn 2001-2021. Đồng thời, cũng khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của Chi cục Kiểm lâm, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế và Chính quyền địa phương thông qua các hoạt động tuyên truyền người dân ở các xã nâng cao ý thức bảo vệ, hạn chế những tác động ảnh hưởng đến môi trường sống của Voọc mũi hếch; Hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân như: Hỗ trợ bếp tiết kiệm, lò sấy thảo quả cải tiến để giảm tình trạng chặt cây rừng làm củi; hỗ trợ canh tác thảo quả bền vững; nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế khả thi tại các điểm, khu vực ưu tiên; thử nghiệm quỹ phát triển cộng đồng; hỗ trợ các nhóm sở thích vay vốn thực hiện các hoạt động phát triển sinh kế…Tuy nhiên, việc bảo tồn loài Voọc mũi hếch ở Hà Giang cũng đang có nhiều thách thức bởi tình trạng săn bắt trái phép vẫn còn; tình trạng phá rừng xảy ra....

Hội thảo đã thông qua 7 bài trình bày về kết quả hoạt động bảo tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang giai đoạn 2001 -2021, gồm: (1) Voọc mũi hếch ở Hà Giang và tầm quan trọng đối với công tác bảo tồn loài; (2) Tổ chức FFI với những hoạt động hỗ trợ bảo tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang trong 20 năm; (3)  Những hoạt động của DenverZoo cùng FFI tại Hà Giang nhằm bảo tồn loài Voọc Mũi Hếch; (4)  Những hoạt động của tổ chức CeREC cùng FFI tại Hà Giang nhằm bảo tồn loài Voọc Mũi Hếch; (5) Một số kết quả nghiên cứu sinh thái tập tính Voọc mũi hếch ở Khau Ca; (6) Ứng dụng Công cụ SMART trong công tác tuần tra, giám sát Voọc mũi hếch và đa dạng sinh học ở 2 khu vực: Khau Ca và Cao-Tả-Tùng, tỉnh Hà Giang; (7) kế hoạch bảo tồn loài giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, Ông Đỗ Quốc Hương - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đã có ý kiến đề nghị Tổ chức FFI tại Việt Nam tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ về nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp làm việc, cách thức triển khai dự án dành cho địa phương, phối hợp tốt với Sở Ngoại vụ, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan trong việc triển khai các chương trình dự án, chú trọng việc cải thiện sinh kế cho người dân, cải thiện môi trường sống, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức, giảm thiểu tác động của người dân vào các khu rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng. Yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện trong vùng dự án, Chi cục Kiểm lâm chủ động lồng ghép, gắn kết các chương trình, dự án của tổ chức FFI với các chương trình, kế hoạch của địa phương, ngành theo lĩnh vực để triển khai thực hiện mộ. Luôn trao đổi phối hợp với FFI trong mọi hoạt động để xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình, dự án với chất lượng hiệu quả cao. Những vướng mắc khó khăn cần trao đổi ngay với lãnh đạo Tỉnh, Sở Ngoại vụ và các ngành liên quan để tháo gỡ, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn t cách có hiệu quả nhất.

 Tại Hội nghị cũng đề ra phương hướng cụ thể trong thời gian tới như: Tiếp tục và đổi mới công tác truyền thông bảo vệ Voọc mũi hếch; Hỗ trợ sinh kế cho người dân sống liền kề Khu bảo tồn bằng các mô chăn nuôi, trồng cây có giá trị kinh tê để tăng thu nhập cho người dân. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ nghiêm ngặt tất cả các quần thể Voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng….

Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phòng Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm)

Tin khác

Liên kết website