HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP

Phấn đấu giữ vững tỷ trọng chăn nuôi năm 2024 là 33,5% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp

05/02/2024 09:31 51 lượt xem

Nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; ngày 22/01/2024 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về việc Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô trang trại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi năm 2024 đạt 33,5% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp.

Phấn đấu giữ vững tỷ trọng chăn nuôi năm 2024 là 33,5% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp
Mô hình vỗ béo bò và xử lý chất thải tại xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh

Mục tiêu của Kế hoạch đặt ra phấn đấu giữ vững tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2024 là 33,5% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, ước tổng giá trị thu được từ chăn nuôi là 4.967,464 tỷ đồng. Tổng đàn gia súc, gia cầm đến cuối năm 2024 cụ thể là: Đàn bò khoảng 122.778 con, tốc độ tăng đàn từ 1,5% trên năm; duy trì đàn trâu là 142.502 con; đàn dê khoảng 156.016 con, tốc độ tăng đàn 1-2% trên năm; đàn lợn khoảng 627.954 con, tốc độ tăng đàn bình quân từ 3-5% trên năm; đàn gia cầm khoảng 6.625,5 nghìn con, tốc độ tăng đàn 5-8% trên năm.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Kế hoạch số 30/KH-UBND đã đề ra các giải pháp triển khai thực hiện, cụ thể:

1. Về tổ chức và quản lý

- Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi toàn quốc và bám sát vào quy hoạch chăn nuôi của tỉnh.

- UBND các huyện tập trung các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình sự nghiệp kinh tế và từ các chính sách khác của Trung ương và tỉnh như: Nghị định 57/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (khi có Nghị định thay thế Nghị định 57/NĐ-CP các huyện, thành phố sẽ áp dụng theo Nghị định mới); Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại hướng hàng hóa.

- Thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình tiên tiến lĩnh vực chăn nuôi ra diện rộng.

- Thực hiện tập huấn, tuyên truyền Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, kế hoạch sản xuất chăn nuôi, các đề án, chương trình trọng điểm, chính sách hỗ trợ về chăn nuôi, thú y của tỉnh.

- Đa dạng hóa các chương trình truyền thông, từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi đặc biệt là thay đổi tư duy sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, thịt đông lạnh.

2. Về kỹ thuật và công nghệ

2.1. Phát triển chăn nuôi hàng hóa đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn

- Chăn nuôi Bò vàng: Tốc độ tăng tổng đàn trên 1,5%; tổng đàn Vò vàng là 98.036 con (Đồng Văn: 24.650 con, Mèo Vạc: 30.713 con, Yên Minh: 21.299 con và Quản Bạ: 21.374 con).

- Chăn nuôi Lợn đen: Tốc độ tăng tổng đàn phấn đấu trên 3,5%; tổng đàn lợn đen năm 2024 là 157.391 con (Đồng Văn: 29.558 con, Mèo Vạc: 32.246 con, Yên Minh: 54.239 con và Quản Bạ: 41.348 con).

- Chăn nuôi ong nội gắn với vùng bạc hà: Tổng đàn ong là 44.735 đàn (Đồng Văn: 12.457 đàn, Mèo Vạc: 18.360 đàn, Yên Minh: 7.370 con và Quản Bạ: 6.548 đàn).

- Yêu cầu đối với các địa phương đã được xác định vùng nguyên liệu: (1) Mở rộng quy mô chăn nuôi nông hộ từ 5 con trở lên đối với Bò vàng; quy mô chăn nuôi từ 20 con trở lên đối với lợn đen, quy mô từ 50 đàn trở lên đối với ong để hình thành vùng nguyên liệu; (2) Duy trì vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi: Vùng trồng cỏ ổn định phát triển chăn nuôi bò; vùng bạc hà tự nhiên để phát triển đàn ong nội; vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ; (3) Yêu cầu chăn nuôi phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và an toàn về vệ sinh thực phẩm; (4) Triển khai chương trình thụ tinh nhân tạo để cải tạo tầm vóc đàn bò vàng, lợn địa phương

2.2. Về phát triển tổng đàn và cơ cấu giống

UBND các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp xã, thị trấn tập trung nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia đặc biệt tại Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Dự án 3 - Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và Dự án 3 -  Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư vào phát triển chăn nuôi.

- Tiếp tục triển khai cải tạo, nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò.

- Phát triển các giống lợn cao sản tại các trang trại, vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, mở rộng quy mô, số lượng cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn tại các huyện vùng thấp như: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Tập trung chỉ đạo chăn nuôi lợn địa phương có giá trị kinh tế cao như giống lợn Lũng Pù, lợn Hung Bắc Mê... tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì và Bắc Mê.

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, thực hiện bảo tồn và phát triển các giống gia cầm địa phương như: Gà xương đen, gà lông xước... có giá trị kinh tế tại các huyện vùng cao. Đối với những huyện vùng thấp (Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang) cần tập trung phát triển mạnh giống lai có năng suất, chất lượng cao (gà thịt lông trắng, gà lông màu, gà chuyên trứng).

- Phát triển giống dê địa phương tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Áp dụng cách nuôi nhốt hoặc bán chăn thả, trồng cỏ, chăn nuôi theo hướng tập trung hình thành các trang trại quy mô vừa và nhỏ.

- Quy hoạch vùng chăn nuôi và mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển giống ong nội tại 4 huyện vùng cao với số lượng đàn phù hợp với diện tích cây Bạc Hà, áp dụng biện pháp nuôi ong theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; phát triển, củng cố các THT để liên kết với các doanh nghiệp, HTX; thực hiện truy suất nguồn gốc, sử dụng và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong Bạc hà. Phát triển ngành nuôi ong Bạc hà của tỉnh hướng tới sử dụng chung một mẫu mã sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.

2.3. Về nguồn thức ăn: Tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp sẵn có tại địa phương như: Ngô, sắn các cây họ đậu, các cây thức ăn gia súc khác như các loại cỏ cao sản, nuôi trùn quế... Sử dụng rau xanh non, giá đậu, mộng mạ hay mua các loại Premix khoáng hay Premix vitamin để bổ sung một số loại sinh tố hay khoáng chất cho vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm sinh sản. Cho vật nuôi ăn, uống đủ số lượng thức ăn, nước uống theo độ tuổi, đúng giờ, đúng bữa, không cho ăn thức ăn ôi, mốc. Tăng cường kiểm tra giám sát việc kinh doanh buôn bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

2.4. Thu hút đầu tư và phát triển trang trại

- Thu hút các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm. Triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ về hạ tầng, thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại; Kết nối, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh.

- Căn cứ quy hoạch đất thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt các huyện, thành phố rà soát, bố trí quỹ đất cho phát triển chăn nuôi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để phát triển chăn nuôi, đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

2.5. Phòng chống dịch bệnh, quản lý giết mổ, phòng chống nắng nóng, mưa lũ, đói rét; xử lý môi trường chăn nuôi

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản theo Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vác xin bắt buộc đối với gia súc đạt trên 80% tổng đàn trở lên. Thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu phi khi có điều kiện.

- Chủ động cập nhật theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống nắng nóng, mưa lũ, đói rét cho đàn gia súc, gia cầm.

- Áp dụng các biện pháp xử lý chất thải phù hợp tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường như: xây dựng chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải, lắp đặt biogas, xây bể hoặc hố ủ phân, sử dụng đệm lót sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm, men vi sinh xử lý mùi hôi. Tăng cường thu gom chất thải rắn để làm phân bón hữu cơ, tiến tới xây dựng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái môi trường.

- Thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở, điểm giết mổ,... theo quy định. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

2.6. Liên kết chế biến, tiêu thụ và xúc tiến thương mại

- Hình thành liên kết giữa hộ với hộ, hộ với HTX, doanh nghiệp; vùng liên kết các xã với xã, huyện với huyện đối với sản phẩm chăn nuôi cùng loại để thống nhất quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi sau chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử (dacsanhagiang.net), website chương trình OCOP của tỉnh (ocop.hagiang.gov.vn), quảng bá trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc trưng tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tại các siêu thị, chợ truyền thống; các khu điểm du lịch, hệ thống cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch, liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch với các doanh nghiệp du lịch có quan hệ hợp tác với tỉnh Hà Giang.

- Duy trì, phát huy hiệu quả chợ buôn bán gia súc đang hoạt động tại các huyện, để đẩy mạnh việc giao thương buôn bán gia súc.

Để đạt được những chỉ tiêu tại Kế hoạch 30/KH-UBDN đặt ra, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đồng thời tập trung mọi nguồn lực vào phát triển chăn nuôi, phấn đấu giữ vững tỷ trọng chăn nuôi năm 2024 là 33,5%./.

Nguyễn Thị Hương (Chi cục Chăn nuôi và Thú y)

Tin khác

Liên kết website