HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP

Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch Cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2022

15/06/2022 03:52 62 lượt xem

Để nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong hoạt động công vụ nhằm mục đích xây dựng nền hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT được dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan, đơn vị của ngành hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và tái cơ cấu của ngành; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thay đổi đầu mối tương tác giữa các cơ quan đơn vị trực thuộc đối với người dân theo cơ chế “ Phục vụ tốt nhu cầu của người dân”. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2022.

Kế hoạch thực hiện Cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2022 đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai rộng khắp ở tất cả các phòng, ban, cơ quan đơn vị trực thuộc Sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cụ thể như:

Đối với nội dung “ Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đội ngũ công chức, viên chức và nhân dân biết và thực hiện; giúp cho người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ của cơ quan. Gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cải cách hành chính của cơ quan. Tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Lâm nghiệp; Luật phòng chống tham nhũng và các Luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT.

 Đối với nội dung “Công khai minh bạch”: Thực hiện nghiêm quy trình, quy định về công khai, minh bạch quản lý tốt tổ chức, biên chế, tài chính ngân sách theo quy chế của cơ quan, đơn vị đã ban hành. Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, các đoàn thể quần chúng; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các đoàn thể trong công tác công khai, minh bạch và thực hiện tốt các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu tham nhũng, gây phiền hà sách nhiễu cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển địa phương, các dự án đầu tư, thông tin mời thầu...và cung cấp thông tin theo đề nghị của người dân, doanh nghiệp; Cung cấp đầy đủ các thông tin cho Cổng thông tin điện tử tỉnh các thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin;

Đối với nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”: Thực hiện tốt Quy chế tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công chức, viên chức và của công dân. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diến biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.

Đối với nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”: Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác, phản ánh, kiến nghị, xử lý kịp thời, công khai kết quả xử lý tham nhũng trong sử dụng công vụ và trong giải quyết các dịch vụ hành chính công. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để sảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng các dịch vụ công; nâng cáo chất lượng thực hiện cơ chế một cửa của cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.

 Đối với nội dung “Thủ tục hành chính công”: Thực hiện rà soát, chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Nông nghiệp và PTNT áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến năm 2022; Quyết định số 2611/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của UBND về việc ban hành Kế hoạch CCHC tỉnh Hà Giang năm 2022; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ngành có liên quan thực hiện Chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Kế hoạch số 161/KH-UBND tỉnh ngày 20/5/2021 về triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, chuyển đổi số dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Đăng tải kế hoạch CCHC trên Trang thông tin điện tử của ngành, niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận giao dịch một cửa, công khai minh bạch số điện thoại, thư điện tử tiếp nhận phản ánh kiến nghị của nhân dân...

Đối với nội dung “Cung ứng dịch vụ công”: Tiếp tục thực hiện việc cung cấp nước sạch cho người dân theo chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước sạch cho nhân dân, thực hiện đạt chỉ tiêu 88,2% người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo đúng Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 30/11/2020 của Tỉnh ủy Hà Giang.

Đối với nội dung “Quản trị môi trường”: Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường rừng. Triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn toàn tỉnh.

Đối với nội dung “Quản trị điện tử”: Thực hiện nâng cấp hoàn thiện thông tin một cửa điện tử, đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; đẩy mạnh việc thực hiện chữ ký số trong giải quyết công việc. Tăng cường phổ biến đến người dân được biết và sử dụng cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Kế hoạch đã giao cụ thể các nhiệm vụ cho các đơn vị để tổ chức thực hiện, như: Trung tâm nước Sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chi cục Kiểm lâm; các phòng chuyên môn của Sở: Văn phòng, Kế hoạch và Tài chính, Tổ chức cán bộ, Thanh tra,... Đồng thời, yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các chỉ số nội dung, tiêu chí của Kế hoạch đề ra.

Văn Tú (TTKN)

Tin khác

Liên kết website